
Lướt qua Facebook của cô chú, thấy sen đã bắt đầu nở. Cô để lại lời nhắn giản dị mà thân thương: “Vườn sen lúc nào cũng chào đón cháu về…”
Ai yêu sen, yêu Hà Nội hẳn chẳng xa lạ với chú. Người đàn ông sống trong ngôi nhà cổ trăm tuổi, âm thầm ươm trồng sen Bách Diệp, ướp trà Hồ Tây, dành cả khu vườn làm nơi tiếp khách – hoàn toàn miễn phí.

Không vé vào, không bán buôn, không ràng buộc. Đến vườn chú là có trà ướp sen thơm dịu, mứt chùm ruột cô tự tay sên, bàn ghế sẵn sàng. Dù là người quen hay khách lạ, già trẻ lớn bé, tất cả đều được đón tiếp bằng sự tử tế, nồng hậu, và im lặng chữa lành.
Mình từng hỏi: – Chú không thấy phiền sao, khi có người làm gãy cành sen, vứt rác, thở than đủ chuyện? Chú chỉ cười: – Không sao, bừa bộn thì chú dọn. Miễn sao lúc bước ra khỏi vườn, họ thấy nhẹ nhõm là được.

Cô chú là bộ đội – giáo viên về hưu, sống giản dị bằng lương hưu, chăm từng khóm sen, từng cây thuốc Nam quý. Chú hiểu tường tận từng cây thuốc, từng mái đình quê hương, kể chuyện say sưa như một nhà sử học làng.
Năm ngoái, chú còn thiết kế hẳn một tour “0 đồng”: Chùa Đậu – Vườn Sen nhà chú – Cá bến sông quê – Câu chuyện làng cổ… Chẳng cần quảng bá, mỗi người đến là một người trở về – trong lòng, với thiên nhiên, và với chính mình.

Mình gọi vườn chú là một “điểm chữa lành”. Ở đó có sen, có người, có trà, có cỏ cây hoa lá, và đặc biệt có một thứ vô giá: hạnh của ĐẤT. Đất lành, người lành, và những câu chuyện làm người khác tin vào điều tử tế.
Ai rồi cũng cần một nơi để thở nhẹ. Với mình, đó là khu vườn của chú Điệp. Có những con người, không lên tiếng lớn, nhưng lặng lẽ mang “hạnh của đất”, gieo vào lòng người khác những mầm bình yên.